Bạn có ngại “cô đơn”?




“Yêu đi, lấy chồng đi cho đỡ cô đơn” - người ta rỉ tai tôi thế, thương hại có, mỉa mai có, yêu thương và mong điều tốt cho tôi cũng có. Nhưng đáp lại, tôi chỉ biết im lặng. Tôi rất muốn nói một điều gì đó với từng người, từng người một, nhưng rồi lại không thể, chả đơn giản khi lý giải một vấn đề về tâm lý.

Nếu nói: Tôi không hề cô đơn và không ngại cô đơn. Mọi người có tin không?

Trước đây khi tiếp xúc với một số người nước ngoài, tôi thường ngạc nhiên với một số tập quán của họ: Không thích ràng buộc hôn nhân, không thích những cuộc thăm viếng đột xuất không báo trước... Tôi cứ thắc mắc: Hôn nhân có cái gì mà họ “sợ” đến thế? Có một lần mạo muội hỏi thầy Dennis rằng: “Thầy không thấy cô đơn khi sống một mình à?” (Ông ý 45 tuổi, vô cùng đẹp trai, hài hước, có một đứa con ở Canada và chưa hề lấy vợ). Ông trợn tròn mắt nhìn tôi rồi bảo: “I’m alone, not lonely” (Tôi một mình nhưng không hề cô đơn).

Giờ tôi phần nào đã hiểu cảm giác đó, và tôi cũng muốn nói: “Tôi một mình, nhưng không cô đơn”. Cô đơn chỉ là một cảm giác, bạn không thể gán cho tôi cái cảm giác đó khi thấy tôi một mình. Dù thông thường, hai khái niệm đó luôn đi kèm với nhau. Nhưng nếu chỉ nói đơn giản: Em đâu có cô đơn. Mọi người sẽ lại bảo: Umm, lại che giấu, bao biện chứ gì. Mày chả có ai thèm yêu nên mày nói thế cho đỡ xấu hổ. Chứ thấy người ta yêu nhau mà mày không chạnh lòng à? Từng này tuổi rồi...

“Chạnh lòng”... Có chứ. Sao không? Nhưng nó không đồng nghĩa với trạng thái cô đơn. Tôi không biết người khác thế nào, riêng bản thân, tôi ít khi thấy cô đơn.

Có thể vì tôi luôn cô đơn nên không nhận ra rằng mình đang cô đơn? Hay vì tôi là đứa lạc quan, biết tự tìm niềm vui cho mình thay vì cứ gặm nhấm cảm giác “cô đơn” nên tôi ít cô đơn? Tất cả chỉ là một phần nào đó thôi. Vì tôi nhận thấy: “Cô đơn” là một trạng thái cần thiết cho một đứa như tôi? Tôi cần có những giây phút “một mình” hay “cô đơn” để giải phóng con người mình hoặc để “sốc” (xốc) lại tinh thần...

Đôi lúc ngay cả khi ở bên cạnh người yêu, tôi vẫn có cảm giác “cô đơn” và muốn một mình. Ngay cả khi đang yêu, tôi vẫn muốn du lịch một mình, thứ du lịch mà người ta nghĩ rằng chỉ dành cho những người một mình và... cô đơn.

Và chắc khi thấy những triệu chứng trên của tôi, bạn sẽ nhanh chóng kết luận rằng:“Thôi, thế là mày chưa yêu thật sự rồi. Vì nếu yêu thật sự, lúc nào mày cũng nghĩ đến hắn và muốn bên cạnh hắn”.

Hihii, chuyện này tôi vẫn chưa thực sự “thông” lắm. Tạm thời, tôi chỉ có lý giải thế này: “Người ta chỉ quấn quýt nhau khi đôi bên yêu nhau và có sự hòa hợp nhiều hoặc hoàn toàn. Còn nếu yêu mà không có sự hòa hợp lắm, thì đôi bên sẽ xuất hiện nhu cầu “được một mình”. Tần số của nhu cầu này nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ hòa hợp của đôi bên”.

Tất cả chúng ta dường như đều biết đến “tự do” và đều muốn “tự do”, đúng không nhỉ? Nhưng có bao giờ bạn mơ hồ nhận thấy rằng: “Tự do” và “một mình” dường như có mối liên hệ với nhau. Tôi thấy có đấy. Những khi “một mình”, tôi cảm thấy mình đạt đến gần ngưỡng của “sự tự do”. Khi đó, tôi không phải chia sẻ cảm xúc với bất kỳ ai, không phải nói khi không thích, không phải cười nếu thấy mỏi miệng, được tự do xịu mặt, tự do ngủ, tự do ngáp không phải che miệng, tự do “lười biếng” không sợ ai mắng, tự do thả hồn theo những dòng suy nghĩ... tự do là chính mình...

Có một điều đến giờ tôi mới phát hiện ra: Sở dĩ mà tôi thèm đi du lịch là vì tôi cực thích “tự do”. Mỗi khi đến một nơi nào đó, không những không có chút cô đơn, ngược lại, tôi có cảm giác được giải phóng. Giống như một con mẹ gà mái, quá sung sướng vì được tháo cũi xổ chuồng, tôi cũng “vỗ ngực phành phạch và cất tiếng gáy”…

“Khi gà trống gáy, ta nghe được sức mạnh đầy kiêu hãnh và dũng mãnh của nó. Nhưng khi gà mái gáy, bạn nghe được những ẩn ức cần được giải phóng. Khi gà mái gáy (dù trái với tự nhiên), là khi chúng biết mình không thể không gáy”.

(Một entry từ blog trong nhóm của hakinkin)


Make Money Online
Kiếm tiền trực tuyến


http://doimat-pleiku.blogspot.com


http://doimat0pleiku.blogspot.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét